Ngày 16 tháng 3 năm 2023 – Phiên họp Ban Chỉ đạo Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) lần thứ 7 đã diễn ra tại Hà Nội. Phiên họp do Ông Đặng Hoàng An – Thứ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, Ông Giorgio Aliberti – Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, và Bà Carolyn Turk – Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đồng chủ trì. Tham gia phiên họp có đại diện từ các Cục, Vụ và cơ quan thuộc Bộ Công Thương là chủ trì của các nhóm Công tác Kỹ thuật thuộc khuôn khổ VEPG, cùng các Đối tác Phát triển trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam với vai trò Đồng chủ trì các nhóm Công tác Kỹ thuật.
Phiên họp Ban Chỉ đạo VEPG lần thứ 7 đã thảo luận về báo cáo các hoạt động của Ban thư ký VEPG và các Nhóm Công tác Kỹ thuật trong năm 2022, thông qua Kế hoạch hoạt động năm 2023 và Kế hoạch hoạt động tổng thể của VEPG giai đoạn 2023 – 2027. Cuối cùng , Ban Chỉ đạo cùng các đơn vị, tổ chức đã thảo luận và thông qua kế hoạch chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao VEPG lần thứ 5 sẽ diễn ra trong năm 2023.
Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Chủ trì phiên họp cho biết: “Tôi rất vui mừng khi thấy các nhóm Công tác Kỹ thuật của VEPG trong năm 2022 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và đạt được một số kết quả nhất định, mặc dù trải qua nhiều khó khăn từ việc các nhóm Công tác Kỹ thuật mới thành lập, các bên đồng chủ trì mới và việc chuyển giao Ban thư ký VEPG. Điều này thể hiện nỗ lực của các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và tinh thần hợp tác tích cực của các Đối tác phát triển đang tham dự phiên họp hôm nay. Tôi cũng ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ và nỗ lực của Ban Thư ký VEPG trong việc hỗ trợ các nhóm Công tác Kỹ thuật và báo cáo kết quả tới Ban Chỉ đạo. Tôi hy vọng rằng phiên họp hôm nay chúng ta sẽ đưa ra các đường lối chỉ đạo chiến lược phù hợp, kịp thời cho hoạt động của VEPG trong thời gian sắp tới đảm bảo tính hiệu quả, hữu ích của VEPG.”
Ông Giorgio Aliberti – Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho biết: “Năm 2022, VEPG đã có các điều chỉnh trong khung hoạt động tham chiếu và Ban Thư ký VEPG đã có một kỳ chuyển giao tốt đẹp từ GIZ sang Dự án Hỗ trợ Chuyển dịch Năng lượng Bền vững Việt Nam – EU. EU rất hoan nghênh và chúc mừng các quyết tâm của Việt Nam đã thúc đẩy và nhận diện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và có nền kinh tế phát triển nhanh, do đó những cam kết của Việt Nam tại COP26 là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, việc chuyển đổi năng lượng và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không bao giờ là dễ dàng đối với bất kỳ quốc gia nào, đòi hỏi sự liên kết của các quốc gia để học hỏi và chia sẻ bài học kinh nghiệm từ các quốc gia khác. Trong giai đoạn tới, EU đã hỗ trợ 142 triệu EUR thông qua Chương trình Chuyển dịch Năng lượng Bền vững Việt Nam – EU (SETP) bao gồm hợp phần hỗ trợ ngân sách trị giá 121 triệu EUR và bốn hợp phần hỗ trợ bổ sung trị giá 21 triệu EUR. Các hỗ trợ này nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; thúc đẩy tỷ trọng năng lượng tái tạo lớn hơn trong cơ cấu năng lượng và cải thiện hiệu suất của Hệ thống Thông tin Năng lượng Việt Nam (VEIS). Đây cũng là cam kết mạnh mẽ của EU tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lộ trình chuyển đổi năng lượng bền vững và hỗ trợ tuyên bố của Việt Nam tại COP26.”
Bà Carolyn Turk – Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ thêm: “Sự cam kết của Việt Nam tại COP26 cũng như gần đây Tuyên bố chính trị của về JETP với mục tiêu tham vọng, và Ngân hàng Thế giới là một Đối tác Phát triển, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc chuyển đổi tầm nhìn này trở thành các chương trình có tính thực thi cao. Trong phiên họp Ban Chỉ đạo lần thứ 7, các vấn đề có thể thảo luận gồm các thách thức trong tiếp cận với các nguồn tài chính ODA và tài chính khí hậu, khung pháp lý cho năng lượng tái tạo, các dịch vụ phụ trợ, và khí đốt (mà đang thiếu), và điều phối các Đối tác Phát triển để đạt được mục tiêu tới năm 2023 và 2050.”
Năm 2023 sẽ là một năm đầy thách thức với ngành năng lượng Việt Nam sau tuyên bố chính trị về Đối tác Chuyển dịch Năng lượng cuối năm 2022, do đó VEPG cần phát huy tối đa vai trò là một diễn đàn chính sách năng lượng, cần triển khai hành động quyết liệt và và thiết thực để giúp sức cho Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu chuyển dịch năng lượng công bằng. Theo đó, Ban chỉ đạo VEPG đã nhấn mạnh các nội dung cần được trú trọng và cấp thiết đối với VEPG bao gồm:
- Duy trì 02 phiên họp/năm đối với các nhóm Công tác Kỹ thuật và ít nhất 02 lần/năm đối với Ban Chỉ đạo. Nâng cao vai trò điều phối và báo cáo của Ban thư ký VEPG.
- Tăng cường sự tham gia của các Bộ, Ngành liên quan và các đơn vị ngoài nhà nước như doanh nghiệp tư nhân
- Các nhóm Công tác Kỹ thuật cần tập trung thảo luận nghiên cứu sâu về 1 số chủ đề cụ thể, cấp thiết để đưa ra các giải pháp và khuyến nghị thiết thực
- Nghiên cứu triển khai các phiên họp điều phối giữa các Đối tác phát triển và các nhà tài trợ trong khuôn khổ các nhóm Công tác Kỹ thuật
- Phát triển thêm mô hình đối thoại kết hợp tham quan thực địa để tăng cường hiệu quả VEPG tới các địa phương và hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho các dự án chưa được vận hành
Thứ trưởng Đặng Hoàng An hy vọng với tuyên bố chính trị của Việt Nam về JETP vào cuối năm 2022, Bộ Công Thương và các Đối tác phát triển sẽ đồng hành mạnh mẽ hơn nữa để đạt được các mục tiêu chung và cốt lõi của VEPG đang làm, và là một diễn đàn chính sách cấp cao và hỗ trợ lâu dài giữa Chính phủ Việt Nam, và các Đối tác phát triển cùng với các bên liên quan trong lĩnh vực năng lượng.
Tại phiên họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng bày tỏ sự cảm ơn tới Liên minh Châu Âu trong việc cung cấp các hỗ trợ tài chính và kỹ thuật đối với Việt Nam và Ngân hàng Thế Giới đã luôn đồng hành cùng với Bộ Công Thương trong các chương trình phát triển năng lượng sạch cho Việt Nam.