Viet-Nam-Energy-Partnership-Group

Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam
Cùng nhau Thực hiện Chuyển dịch Năng lượng Bền vững tại Việt Nam!

Phiên họp lần thứ 2 của Nhóm Công tác Kỹ thuật về Tích hợp Lưới điện và Hạ tầng lưới Điện

Chiều ngày 25 tháng 09 năm 2023, trong khuôn khổ hợp tác của Nhóm đối Tác Năng lượng Việt Nam, nhóm Công tác Kỹ thuật 3 (CTKT 3) về Tích hợp lưới Điện và Hạ tầng lưới Điện do Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương và Đại sứ quán Vương Quốc Anh đồng chủ trì đã tổ chức thành công phiên họp lần thứ 2 trong năm 2023 với chủ đề chính về hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS) và cơ hội triển khai tại Việt Nam. Phiên họp đã có sự tham gia của hơn 140 đại biểu trực tiếp và trực tuyến từ nhiều thành phần bao gồm các đại sứ quán, gồm có Đại sứ quán Đan Mạch, Đại sứ quán Mỹ, Các đối tác phát triển như Liên Minh Châu Âu, Ngân hàng phát triển Châu Á ADB, Chương trình Phát triển Liên hợp Quốc UNDP , tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên WWF, Chương trình Năng lượng Phát thải thấp Việt Nam VLEEP II/USAID, cơ quan phát triển Pháp AfD, và đại diện các đơn vị nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước như AES, VinES, the Asia Group, EDF, Bower Group Asia. Tại đây, các đại biểu đã có dịp thảo luận thẳng thắn, tích cực, đề xuất về các vấn đề xoay quanh giải pháp pin lưu trữ năng lượng cho hệ thống điện và các chủ đề trọng tâm của nhóm CTKT 3.

Phát biểu khai mạc tại phiên họp, Ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Chủ trì nhóm Công tác Kỹ thuật 3 đã nhấn mạnh vai trò của hệ thống pin lưu trữ năng lượng BESS trong quá trình chuyển đổi sang hệ thống năng lượng bền vững với tỷ trọng cao các nguồn năng lượng tái tạo biến đổi, tự cân bằng năng lượng ngắn hạn, dự phòng công suất, dịch vụ phụ trợ ổn định lưới điện, lưu trữ và vận hành hệ thống điện sau sự cố. Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt ngày 15 tháng 08 năm 2023, Việt Nam sẽ tăng cường phát triển NLTT để giảm phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch, điều này sẽ tạo ra nhiều thách thức đối với việc vận hành ổn định hệ thống điện. Trong bối cảnh đó, BESS càng phát huy vai trò quan trọng giải quyết các vấn đề về tính biến đổi, tính không ổn định, và không liên tục của các nguồn NLTT. Do đó, để khuyến khích  phát triển BESS, Việt Nam cần có các chính sách và điều kiện thuận lợi để triển khai một cách hiệu quả, bền vững. Ngoài ra, sự hiểu biết về kỹ thuật, tài chính, hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan và kinh nghiệm tham khảo từ kinh nghiệm quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình này.

Ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực phát biểu khai mạc

Ông Mark George, tham tán khí hậu Đại sứ quán Vương Quốc Anh, đồng chủ trì nhóm Công tác kỹ thuật 3 đánh giá Việt Nam là một quốc gia có nhiều tiềm năng cũng như thách thức để thực hiện quá trình chuyển dịch năng lượng bền vững. Ông khẳng định tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu dài hạn của Quốc gia về việc chuyển dịch năng lượng đó. Đồng chủ trì nhìn nhận vai trò của các diễn đàn trao đổi chính sách như VEPG là rất cần thiết trong việc kết nối các đơn vị quốc tế và nhà tài trợ, tăng cường đối thoại, trao đổi kinh nghiêm giữa chính phủ và các bên liên quan, từ đó đưa ra các giải pháp hữu ích, phù hợp với điều kiện và bối cảnh của Việt Nam.

Ông Mark George, Tham tán Khí hậu, Đại sứ quán Anh, phát biểu đồng khai mạc

Mở đầu các bài trình bày, ông Thierry Lefevre đại diện ban thư ký VEPG báo cáo về các hoạt động của các nhóm Công tác Kỹ thuật năm 2023 và đề xuất các hoạt động chủ đề mới. Theo đó, 3 trên tổng 5 nhóm CTKT đã hoàn thành phiên họp lần thứ 1 trong năm 2023 và bắt đầu tổ chức phiên họp lần 2. Các phiên họp năn nay tập trung ưu tiên thảo luận về các vấn đề cấp thiết phù hợp với nội dung nhiệm vụ đã đề ra của nhà nước và Bộ Công thương về chuyển dịch năng lượng nhằm thực hiện mục tiêu trung hòa Các-bon vào năm 2050 và tuyên bố chính trị về Chương trình đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng JETP. Nhằm nâng cao vai trò điều phối và kết nối của VEPG, ban thư ký VEPG đề xuất bổ sung các phiên họp điều phối giữa BCT và các đối tác bên cạnh các phiên họp định kỳ của các nhóm CTKT. Cuối cùng Ban thư ký đề xuất kết hoạch hoạt động của nhóm CTKT 3 trong năm 2024 với các chủ đề về vận hành ổn định hệ thống điện có tỷ trọng cao NLTT, bao gồm: Tối ưu hóa lưới điện cho tích hợp năng lượng tái tạo, Xu hướng triển khai các công nghệ lưới điện khi tích hợp lượng lớn nguồn năng lượng tái tạo, Đánh giá hiện trạng và đề xuất định hướng ưu tiên cho phát triển lưới điện, Vai trò của lưới điện phân phối trong tích hợp nguồn phân tán, Đánh giá chiến lược lưới điện truyền tải liên kết miền, Vai trò của truyền tải dòng điện một chiều điện áp cao (HVDC) đối với sự tham gia lớn của các nguồn RE biến đổi và độ ổn định của lưới điện; Các phương án kết nối lưới điện của trang trại Điện gió Ngoài khơi.

Ông Thierry Lefevre, trình bày báo cáo của Ban thư ký VEPG

Phần tiếp theo, đại diện Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc Gia, AES Việt Nam, và Bộ An Ninh năng lượng và Net zero Vương Quốc Anh đã trình bày về các vấn đề kỹ thuật khi vận hành hệ thống điện khi có sự tham gia của BESS. Ông Nguyễn Thế Văn, đại diện Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia cho biết, nhìn chung, nhu cầu phụ tải của Việt Nam tăng liên tục trong 10 năm qua với tốc độ bình quân 6.5%/năm, trừ năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Co-vid 19. Để đáp ứng với tốc độ tăng trưởng về nhu cầu phụ tải, mạng lưới đường dây 500kW cũng được tăng cường qua các năm, ước tính cứ sau mỗi 7 năm chiều dài đường dây 500kW tăng đạt gần gấp đôi. Tuy nhiên, hiện nay phát triển nguồn điện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phụ tải, trong trung hạn và dài hạn, nhiều NLTT hơn sẽ được tích hợp vào hệ thống trong khi sẽ không có nhiều nguồn thông thường và linh hoạt được thêm vào. Trong bối cảnh đó, BESS được xem xét như một giải pháp tốt nhằm giải quyết vấn đề thiếu điện tại miền Bắc. Hiện tại, NLDC đã đề xuất với Bộ Công Thương sớm ban hành quy định lưới điện cho BESS.

Ông Nguyễn Thế Văn, Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Quốc Gia trình bày về tổng quan vận hệ thống điện và khi có BESS

Ông Kris Larson, giám đốc xây dựng của AES Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm thực tế khi triển khai dự án BESS tại California, đây là dự án lưu trữ năng lượng độc lập đầu tiên trên thế giới đảm bảo công suất vùng và nhận được hợp đồng mua bán điện dài hạn (PPA) và đã vận hành như một nhà máy điện khí chạy đỉnh ở Hoa Kỳ. Ông Kris chia sẻ PPA cho BESS tương tự như một thỏa thuận “thu phí cầu đường”, bên mua thanh toán theo công suất và được phép điều độ khi cần. Bên bán được thanh toán cho công suất của mình và phí O&M biến đổi, đồng thời sẽ phải trả tiền phạt cho các khoản khấu trừ hiệu suất tiềm ẩn liên quan đến sự sẵn sàng và hiệu quả vận hành. Ông Kris cho rằng BESS ban đầu ở California đã tận dụng hợp đồng công suất/năng lượng có sẵn để triển khai, do đó Việt Nam có thể xem xét sử dụng và điều chỉnh hợp đồng BOT cho BESS.

Ông Kris Larson, Giám đốc xây dựng AES Việt Nam trình bày về kinh nghiệm triển khai BESS của AES tại Mỹ

Tiếp theo, bà Miriam Walker, đại diện Bộ An ninh Năng lượng và Net-zero, Vương quốc Anh chia sẻ về kinh nghiệm vận hành hệ thống điện của Vương quốc Anh khi có sự tham gia của BESS. Vương Quốc Anh cũng đang trải qua vấn đề về nhu cầu phụ tải tăng cao trong những năm gần đây và sự tham gia của lượng lớn các nguồn NLTT biến đổi vào hệ thống, đặt ra yêu cầu cấp thiết của việc tăng cường lưu trữ, công suất BESS nối lưới. Bà Walker phân tích về tỷ lệ nạp phát của hệ thống pin lưu trữ trong năm 2022. Hệ thống pin, ngoài khả năng lưu trữ năng lượng còn có chức năng cân bằng tần số, pin có thể đóng các vai trò khác nhau trong hệ thống. Bà Walker gợi ý Việt Nam có thể tham chiếu các mô hình đã triển khai tại Vương Quốc Anh, xem xét loại pin nào phù hợp cho từng ứng dụng, kết nối với lưới phân phối hay lưới truyền tả, cách thức vân hành các hệ thông đo đếm, quy trình an toàn và sức khỏe và xử lý khi kết thúc vòng đời.

Bà Miriam Walker, Bộ An ninh Năng lượng và Net zero chia sẻ kinh nghiệm vận hành hệ thống điện của Vương Quốc Anh khi có BESS

Phần thứ 2 liên quan tới tính ứng dụng của BESS trong phát triển xe điện, VinES và Ngân hàng Phát triển Châu Á đã chia sẻ cụ thể về các loại công nghệ cho pin xe điện, tiềm năng trong tương lai và các tác động đối với hệ thống điện khi phát triển mạnh mẽ hệ thống xe điện như vậy.

Ông Nguyễn Đình Thứ, trưởng bộ phận hợp tác và chiến lược của VinES, là đơn vị tiên phong tại Đông Nam á trong sản xuất và cung cấp các giải pháp liên quan tới đa dạng các loại pin cho nhiều quy mô và ứng dụng khác nhau gồm phục vụ hộ gia đình tới điện lưới, đã giới thiệu về năm loại công nghệ phổ biến hiện hành trong lĩnh vực lưu trữ năng lượng. Theo đó, các phương pháp lưu trữ cơ học như thủy điện tích năng đã đạt độ trưởng thành công nghệ, phương pháp pin lưu trữ, đặc biệt ứng dụng trong phương tiện giao thông chạy pin, vẫn đang tiếp tục được hoàn hiện và tiềm năng tiếp tục phát triển xa hơn. Pin lithium có mật độ năng lượng cao, không yêu cầu cao về địa hình và vị trí lắp đặt, công nghệ đang được hoàn thiện, dự kiến giá thành sẽ giảm nhanh trong tương lai và có tiềm năng phát triển tốt. Đánh giá mức độ trưởng thành của các công nghệ lưu trữ năng lượng cho thấy, pin Lithium là phương pháp phù hợp nhất hiện nay để triển khai cho các dự án năng lượng với quy mô khác nhau. Hơn nữa, với sự bùng nổ phát triển của xe điện hiện nay, trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về tái chế Pin Lithium khi hết vòng đời dự án, gần 99% thành phần của pin có thể được thu hồi, tái chế tạo thành các sản phẩm pin mới.

Ông Nguyễn Đình Thứ, đại diện VinES trình bày về các loại công nghệ pin lưu trữ và ứng dụng thực tế cho giao thông vận tải

Ông Âu Minh Tuân, chuyên gia năng lượng tại Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) chia sẻ về dự án nghiên cứu cảu ADB về tác động của xe điện đến ngành điện. Theo nghị quyết của Chính Phủ về lộ trình giảm phát thải trong ngành giao thông vận tải, dự kiến đến năm 2030, 50% phương tiện đô thị là xe điện hoặc sử dụng năng lượng xanh, đến năm 2050, 100% xe buýt và taxi đô thị là xe điện hoặc sử dụng năng lượng xanh. Ước tính, nếu tất cả xe buýt đô thị chuyển đổi sang xe điện thì lượng phát thải trong ngành giao thông có thể giảm tới 70%. Hiện nay việc sử dụng xe điện còn gặp nhiều hạn chế nhưng sẽ sớm được thúc đẩy thông qua việc tăng cường sử dụng điện của các hộ gia đình và công nghiệp. Ngoài ra, tác động đến công suất đỉnh yêu cầu của hệ thống điện có thể lớn hơn và các địa điểm sạc có nhiều bộ sạc công suất lớn hơn như bến xe buýt có khả năng phải yêu cầu mở rộng lưới điện hoặc có thể cần máy biến áp công suất lớn hơn trong các trạm biến áp cao áp (110 kV) và lưới điện 110 kV. Ông Tuân đề xuất cần đưa ra các ưu đãi cho cơ sở hạ tầng sạc công cộng bao gồm cả sạc tại nhà, ví dụ: thông qua việc ban hành quy chuẩn xây dựng, cột đèn/bộ sạc công suất thấp ven đường và bộ sạc nhanh công suất lớn dọc các tuyến đường liên đô thị;

Ông Âu Minh Tuân, chuyên gia năng lượng tại Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) chia sẻ về dự án nghiên cứu cảu ADB về tác động của xe điện đến ngành điện

Trong phần cuối cùng về định hướng cho nhóm CTKT3 năm 2024, Chủ trì và đồng chủ trì cơ bản đồng ý với các chủ đề và Ban thư ký đề xuất, trong đó cần ưu tiên nghiên cứu, và tiếp tục thảo luận về chủ đề về xu hướng triển khai các công nghệ lưới điện khi tích hợp lượng lớn nguồn năng lượng và vai trò của lưới điện phân phối trong tích hợp nguồn phân tán. Đây cũng là chủ đề Chính phủ và Các công ty Điện lực Vương Quốc Anh đã có nhiều kinh nghiệm và có thể hợp tác hỗ trợ. Các chủ đề về đánh giá chiến lược lưới điện truyền tải liên kết miền và vai trò của truyền tải dòng điện một chiều điện áp cao (HVDC) là các chủ đề lớn cần tham vấn và làm việc chặt chẽ với trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia. Ngoài ra, nhóm CTKT3 sẽ xem xét kết hợp với nhóm CTKT2 về Năng lượng Tái để thảo luận theo hướng kỹ thuật đấu nối cho các dự án điện gió ngoài khơi.