Viet-Nam-Energy-Partnership-Group

Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam
Cùng nhau Thực hiện Chuyển dịch Năng lượng Bền vững tại Việt Nam!

Date

Th11 04 2022
Expired!

Time

8:30 AM - 12:30 PM

Labels

Sự kiện sắp tới,
Sự kiện VEPG và Đối tác

Phiên họp lần thứ nhất của Nhóm CTKT 1 về Quy hoạch chiến lược Ngành Điện

Hà Nội – Ngày 4/11/2022, Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) đã tổ chức Phiên họp đầu tiên của Nhóm Công tác Kỹ thuật số 1 về Quy hoạch Chiến lược Ngành Điện. Phiên họp do ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo, Bộ Công Thương chủ trì và Ông Loui Algren, Cố vấn dài hạn Chương trình Đối tác Hợp tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch đồng chủ trì, với sự tham gia của 140 đại diện các đơn vị đến từ các đơn vị thuộc Bộ, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, các cơ quan phát triển quốc tế, các đơn vị nghiên cứu/trường đại học và nhóm đầu tư công/tư nhân.

Phiên họp đầu tiên về chủ đề Quy hoạch Chiến lược Ngành Điện nhằm chia sẻ các thông tin từ phía Bộ Công Thương về các chính sách và định hướng quốc gia cho ngành Điện theo hướng chuyển dịch năng lượng bền vững; chia sẻ từ góc nhìn quốc tế và trong nước về thách thức và cơ hội cho ngành Điện Việt Nam, góp phần hiện thực hóa mục tiêu trung hòa các-bon nằm 2050; và thảo luận các chủ đề trọng tâm, kế hoạch phát triển về Quy hoạch chiến lược ngành Điện trong năm 2023. Trong năm 2023, nhóm Công tác Kỹ thuật số 1 sẽ ưu tiên các nhiệm vụ cho quá trình lập kế hoạch, triển khai Quy hoạch Điện VIII khi được phê duyệt và định hướng chuyển đổi nguồn năng lượng. 

Tại cuộc họp, Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo, phát biểu khai mạc: “Phát triển điện lực nói riêng và phát triển năng lượng nói chung có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. Ngành điện đã hoàn thành tốt vai trò chủ đạo, từ một hệ thống quy mô nhỏ vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về quy mô với tổng công suất lắp đặt với gần 79 GW. Đây là bước tiến quan trọng của ngành điện quốc gia. Mặc dù vậy, trong tương lai sẽ còn nhiều thách thức trong việc phục vụ nhu cầu tăng trưởng kinh tế và đời sống của người dân.

Với mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050, Việt Nam sẽ cần xem xét và tính toán kỹ về quy hoạch tổng thể năng lượng nói chung, và quy hoạch chiến lược ngành Điện nói riêng. Trong đó, cần chú trọng tới các vấn đề về khung chính sách, quy định pháp lý hỗ trợ cho ngành, cùng với các giải pháp, lộ trình phù hợp với nguồn lực trong nước và hỗ trợ quốc tế để đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo đạt được các mục tiêu trên lộ trình chuyển dịch năng lượng bền vững quốc gia. 

Phiên họp nhôm CTKT số 1 diễn ra với ba phiên chính, gồm Phần 1 – Chiến lược phát triển ngành Điện Việt Nam, Phần 2 – Góc nhìn Công nghệ: Các phương án khả thi cho Quy hoạch ngành Điện với các giải pháp đã được nghiên cứu và triển khai thực tế, và Phần 3 – Thảo luận các vấn đề trọng tâm và kế hoạch hành động của nhóm Công tác Kỹ thuật 1 trong năm 2023. 

Theo đó, phiên họp đã có các phần chia sẻ từ góc độ khung chính sách trong quy hoạch ngành Điện từ Cục Điện lực/Bộ Công Thương, các kịch bản tính toán từ góc nhìn trong nước từ Viện Năng lượng và từ góc nhìn quốc tế từ Chương trình Đối tác Hợp tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới (tập trung vào kịch bản chính sách hiện hành và kịch bản phi các-bon hóa được đẩy mạnh). 

Về góc nhìn công nghệ, các giải pháp khả thi được giới thiệu và thảo luận gồm đồng đốt hydro với LNG trong Tua-bin khí, và lưu trữ năng lượng/hydrogen hướng tới thay thế dần các nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện trình bày bởi đại diện của Tập đoàn Mitsubishi và Quỹ Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Đông Nam Á (ETP)/VIETSE. Cuối cùng, xét đến vai trò quan trọng của nhóm doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong hệ thống điện (cung ứng khoảng 58% sản lượng điện quốc gia) và chủ yếu vận hành các nhà máy nhiệt điện than, hydro và gas, các giải pháp khả thi được đề xuất nhằm giảm phát thải tại các nhà máy nhiệt điện than thuộc nhóm DNNN trong bối cảnh quốc gia đang cam kết cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện, và giảm phát thải CO2.

Cuối phiên họp, Ban thư ký VEPG cũng đã đề xuất các nhiệm vụ kỹ thuật ưu tiên trong năm 2023 khi Quy hoạch Điện (QHĐ) 8 được phê duyệt, gồm: 

  • Cách thức phân bổ quy mô nguồn, nhất là nguồn năng lượng tái tạo cho các địa phương, đảm bảo phù hợp với QHĐ 8.
  • Quy hoạch đấu nối nguồn điện, lưới điện phù hợp quy hoạch quốc gia và quy hoạch tỉnh.
  • Giải pháp kiểm soát tiến độ dự án điện đã được quy hoạch. 
  • Đồng đốt hydro với LNG trong tuabin khí và amoniac với than trong các nhà máy nhiệt điện than. Tính khả thi về kỹ thuật và kinh tế. 
  • Vai trò của hydrogen trong hệ thống năng lượng đến năm 2050.
  • Vai trò của lưu trữ năng lượng trong hệ thống điện đến năm 2050.

Phiên họp số 1 đã nhận được rất nhiều các thảo luận, góp ý có nghĩa để tham vấn cho Bộ Công Thương trong quá trình xây dựng kế hoạch để triển khai và chi tiết hóa các nội dung của QHĐ8.  

Xem thêm Nội dung chương trình TẠI ĐÂY. các bài trình bày Tiếng AnhTiếng Việt trong phiên họp số 1.

 

Thông tin nền:

Nhóm Công tác Kỹ thuật (CTKT) 1 về Quy hoạch Chiến lược ngành Điện là chủ đề hoàn toàn mới của Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) và đây cũng là phiên họp đầu tiên về chủ đề này điều phối bởi Ban thư ký VEPG mới từ Dự án Hỗ trợ Kỹ thuật Chuyển đổi Năng lượng Bền vững Việt Nam – EU (EVSET Facility) trong khuôn khổ Chương trình Chuyển đổi Năng lượng Bền vững Việt Nam – EU (SETP) trong giai đoạn 2022 – 2027.

Trong giai đoạn tới, VEPG sẽ có hai nhóm CTKT mới về Quy hoạch Chiến lược ngành Điện (Nhóm CTKT 1) và Thị trường Năng lượng (Nhóm CTKT 5), bên cạnh các chủ đề tiếp tục từ giai đoạn trước là Năng lượng Tái tạo (CTKT 2), Phát triển Lưới Điện (CTKT 3) và Hiệu quả Năng lượng (CTKT 4). Trong hoạt động của mỗi nhóm, các Tổ chuyên trách (ad-hoc Task Force) sẽ được đề xuất và triển khai bởi các thành viên đối tác của nhóm.

Với mục tiêu đồng hành với Bộ Công Thương và các đơn vị trực thuộc, và các bên liên quan hoàn thành các nhiệm vụ trọng yếu của ngành Điện, Dự án Hỗ trợ Kỹ thuật Chuyển đổi Năng lượng Bền vững Việt Nam – EU (EVSET Facility) sẽ hỗ trợ các hoạt động thuộc VEPG và các Nhóm Công tác Kỹ thuật nhằm tạo ra không gian trao đổi – thảo luận chuyên sâu về khuyến nghị chính sách, giải pháp kinh tế, kỹ thuật cụ thể và có tính thực tiễn để thúc đẩy quá trình chuyển đổi bền vững cho ngành Điện nói riêng và lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam nói chung.